PNO – Không có lời giải thích nào bao biện được cho hành vi hành hạ trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.
Ở nơi lẽ ra sẽ được chăm sóc, bảo vệ; bọn trẻ lại bị bạo hành dã man, từ những người mang danh bảo mẫu. |
Đây không phải lần đầu chuyện bạo hành trẻ em xảy ra. Nói vậy để thấy chúng ta hoàn toàn đã có thừa những bài học kinh nghiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em – những bài học được đúc kết bằng tiếng khóc, tổn thương cơ thể, tinh thần trẻ. Thế nhưng những hình ảnh đau lòng vẫn cứ xảy ra, ngay tại những nơi được gắn thương hiệu “mái ấm” và từ những người được mệnh danh là “mẹ”.
Việc điều tra của cơ quan chức năng đối với vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng tại Mái ấm Hoa Hồng (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM) đang diễn ra. Rồi các bảo mẫu ấy có thể nói như nhiều người trong những vụ tương tự, rằng vì áp lực công việc, vì bọn nhỏ không nghe lời, vì vô số lý do họ nghĩ ra, hòng giảm tội. Nhưng bất kể lý do gì, không ai buộc họ phải làm công việc chăm sóc trẻ em và càng không có pháp luật, lương tri nào cho phép họ thẳng tay đánh, nhéo, quật những đứa trẻ non nớt ấy, không có khả năng tự vệ và đang rất cần được yêu thương, chăm sóc.
Nghề bảo mẫu gắn liền với hàng loạt tiêu chuẩn, như phải có am hiểu về tâm sinh lý của trẻ, có lòng yêu trẻ, kỹ năng chăm sóc trẻ… Một bảo mẫu đã qua đào tạo chắc chắn phải hiểu rất rõ không được túm tay xách bổng một đứa trẻ vừa tròn tháng. Hộp sọ còn non nớt của trẻ sẽ không thể chống đỡ được những cú đánh từ người lớn, việc đánh vào lòng bàn chân chỉ khiến trẻ đau đớn, chứ không thể ngăn trẻ khóc, bởi khóc và chạy trốn là phản ứng duy nhất các con có thể làm được. Nhưng các con có thể trốn đi đâu cho thoát?
Các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng có được đào tạo chuyên môn trước khi nhận việc? Bạo lực tạo ra bạo lực. Bằng chứng là ở những lần hành hạ sau của các bảo mẫu, đã có những đứa trẻ tham gia vào việc đánh đập những đứa trẻ có số phận giống mình. Trí óc trẻ thơ sẽ lưu giữ hình ảnh ấy vĩnh viễn, không thể xóa như chúng ta nhấn nút “delete” trên máy tính.
Trong những vụ bạo hành tại các cơ sở nuôi dạy trẻ, chúng ta luôn được nghe những quy trình kiểm tra, giám sát; được biết về các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của luật. Đáng buồn là dù có đầy đủ quy định, có quy trình kiểm tra, có giám sát… nhưng chuyện xấu vẫn xảy ra và sau mỗi một vụ, người ta lại thấy cái quy trình kia vẫn tiếp tục rút kinh nghiệm.
Sự lỏng lẻo ở đây nếu không “sửa lỗi” đúng chỗ, đúng cách, những vụ bạo hành trẻ em sẽ có thể tiếp tục xảy ra, không ở nơi này cũng sẽ là nơi khác. Những tội ác mang gương mặt “mẹ” chỉ có thể ngăn chặn khi toàn xã hội thực sự quan tâm đến trẻ em và bắt tay vào hành động.