PNO – Khi bệnh tật ập đến, gánh nặng viện phí đè lên gia đình, nhiều bệnh nhân mới hối hận vì đã không sớm mua bảo hiểm y tế.
Thờ ơ với bảo hiểm y tế
Chị P.T.V. – 36 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM – chia sẻ, chồng mình là anh N.V.D. – 41 tuổi, tài xế xe công nghệ – vừa phải vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng đau thắt ngực dữ dội. Các xét nghiệm cho thấy anh bị nhồi máu cơ tim cấp, cần phải đặt 2 stent để thông tắc mạch vành. Chi phí điều trị ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng, vượt xa khả năng tài chính của gia đình. Lúc này, chị V. mới sực nhớ, vội chạy về địa phương mua bảo hiểm y tế (BHYT). Nhưng chị chưng hửng vì dù đã mua BHYT cũng phải chờ 1 tháng nữa mới có hiệu lực.
Nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM tư vấn cho bệnh nhân về lợi ích của bảo hiểm y tế – Ảnh: P.A. |
Bệnh của chồng chị vô cùng khẩn cấp, không thể trì hoãn. Chị phải dùng hết số tiền tiết kiệm 60 triệu đồng mà vợ chồng chắt bóp, dành dụm được, vay thêm cả người quen, hàng xóm mới đủ. Sau khi được can thiệp điều trị, sức khỏe anh D. đã ổn định và xuất viện nhưng vẫn phải duy trì uống thuốc suốt đời, tái khám hằng tháng. Anh hối hận vì đã chủ quan, thờ ơ, không chịu mua BHYT. Nếu có BHYT từ trước thì gia đình anh đã không phải dốc cạn tiền tiết kiệm và lâm vào cảnh nợ nần như hiện tại. Dù sao, việc vợ anh đã mua BHYT cũng đỡ cho anh tiền thuốc dài hạn từ giờ về sau.
Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân có thu nhập trung bình nhưng thờ ơ, không chịu mua BHYT. Chị Phương Anh – cán bộ Phòng Công tác xã hội của bệnh viện – kể: “Nhiều bệnh nhân đã phải đối mặt với những khó khăn về tài chính trong thời gian chờ bảo hiểm có hiệu lực”. Như trường hợp anh T.Đ.B. – 35 tuổi, làm thầu xây dựng tại quận Phú Nhuận, TPHCM. Có thu nhập ổn định nhưng anh B. lại không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, thường xuyên đi nhậu cùng bạn bè. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh khiến anh mắc nhiều bệnh: huyết áp cao, mỡ máu, đái tháo đường… dẫn đến đột quỵ. Sau khi điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, anh B. được chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM để phục hồi chức năng. Thế nhưng lúc này, gia đình anh đã kiệt quệ tài chính.
Vợ anh B. cho hay mình đã vay mượn khắp nơi để trả viện phí khi chồng điều trị tại bệnh viện đa khoa. Giờ đây, dù chi phí điều trị y học cổ truyền thấp hơn nhiều nhưng gia đình không còn khả năng nữa. “Nếu có BHYT từ trước, gia đình tôi đã không phải rơi vào cảnh khánh kiệt, nợ nần thế này” – chị nói. Ước tính, chi phí điều trị phục hồi chức năng cho anh B. lên đến 15 triệu đồng mỗi tuần. Nếu có BHYT, anh sẽ được hỗ trợ 80% chi phí này.
Đã mua bảo hiểm y tế nhưng quên gia hạn
Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả kinh tế do coi nhẹ BHYT. Bà V.V.T. – 58 tuổi, ngụ TP Thủ Đức – bị sốc nhiễm trùng, phải vào Khoa Hồi sức tích cực. Bà có thẻ BHYT nhưng đã hết hạn từ mấy năm nay, không gia hạn. Nằm bệnh viện cả tháng, chi phí điều trị lên tới gần 200 triệu đồng. Nếu có BHYT thì bà T. chỉ cần phải trả 40 triệu đồng. Ông N.T.N. – 47 tuổi, suy thận mạn giai đoạn 3 – cũng có BHYT nhưng quên gia hạn như bà T. Chi phí chạy thận mạn khoảng 60 triệu đồng/năm. Hiện ông N. chưa trả được viện phí.
Từ những trường hợp trên, ông Trần Quang Châu – Trưởng phòng Công tác xã hội của bệnh viện – lưu ý, người đã có thẻ BHYT nhớ gia hạn kịp thời để duy trì quyền lợi liên tục. Khi tham gia BHYT lần đầu hoặc sau khi gián đoạn tham gia trên 3 tháng trong cùng 1 năm, thẻ BHYT chỉ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền. Nếu không duy trì liên tục 5 năm tham gia BHYT, sẽ mất một số quyền lợi so với người tham gia liên tục.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Hạnh – Phó phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM – cho biết, nhiều người vẫn nghĩ rằng BHYT chỉ dành cho người có thu nhập thấp. Đó là sai lầm. Bệnh tật có thể xảy tới bất ngờ. Chi phí khám chữa bệnh đối với những bệnh hiểm nghèo rất tốn kém. Nhiều gia đình đã rơi vào cảnh kiệt quệ vì phải chi trả cho các hóa đơn viện phí. Điều này không những gây ra khó khăn về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và toàn xã hội.